Nền kinh tế sáng tạo và lệnh trừng phạt

Nền kinh tế sáng tạo và lệnh trừng phạt

Các biện pháp trừng phạt từ phương Tây được cho là sẽ giáng một đòn mạnh mẽ vào thành viên của nền kinh tế sáng tạo (creator economy) ở Nga, khi các nền tảng nơi họ kiếm tiền bằng cách tạo ra nội dung phục vụ khán giả nếu không bị chính quyền trong nước cấm thì cũng bị nhà cung cấp phương Tây chặn.

Sợ ảnh hưởng của lệnh trừng phạt với sự sáng tạo nội dung

 
 Ảnh: Dado Ruvic/Reuters

Nền kinh tế sáng tạo gồm các influencer (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội), TikToker, YouTuber, streamer (người phát trực tiếp cảnh chơi game hay các nội dung khác).

Những nhà sáng tạo nội dung này ở Nga đang chật vật tìm cách tiếp tục làm việc để kiếm sống, chưa nói đến chuyện bày tỏ quan điểm về cuộc giao tranh.

Trong khi đó, “đồng nghiệp” của họ ở Ukraine đã chuyển hướng nội dung trên các nền tảng triệu người theo dõi của mình.

Chủ nhật 13-3, cộng đồng Instagram Nga tràn ngập các bài chia tay đẫm nước mắt của các influencer dành cho follower (người theo dõi).

Đúng 12h đêm đó là hết thời hạn 48 tiếng mà cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor dành cho người dùng Instagram trong nước để tạm biệt nền tảng này trước khi lệnh cấm chính thức có hiệu lực.

Trước đó, Matxcơva đã chặn Facebook, hạn chế quyền truy cập Twitter, trong khi người kiếm tiền từ YouTube, Twitch (nơi các streamer phát trực tiếp cảnh chơi game) và TikTok bị ảnh hưởng bởi các quy định mới được chính các nền tảng đưa ra.

Cụ thể, YouTube ngừng chương trình trả tiền cho người tạo nội dung đối với người dùng Nga, TikTok không còn cho phép người dân ở Nga tải lên nội dung mới, và Twitch (thuộc sở hữu của Amazon) ngừng các khoản thanh toán dành cho các streamer ở Nga để tuân thủ các lệnh trừng phạt do Mỹ và các quốc gia khác áp đặt.

Theo một khảo sát do công ty thăm dò dư luận độc lập Levada Center thực hiện năm ngoái, ở Nga, YouTube phổ biến hơn nhiều so với Facebook. Khảo sát cho thấy 35% số người được hỏi cho biết họ sử dụng YouTube, so với 31% sử dụng Instagram, 14% dùng TikTok, 9% có tài khoản Facebook và 3% dùng Twitter. Còn 2 ứng dụng nhắn tin Telegram và WhatsApp (thuộc sở hữu của Meta, cùng nhà với Facebook và Instagram) từ lâu đã trở nên phổ biến ở Nga và dường như vẫn đang nằm ngoài ảnh hưởng bởi làn sóng kiểm duyệt của chính phủ nước này, ít nhất là cho đến hết tuần qua (13-3). 

Không còn chỗ cho nội dung hào nhoáng

Đứng trước tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, nhiều influencer người Nga cố bày tỏ quan điểm riêng, trong khi những “đồng nghiệp” của họ ở Ukraine cũng mạo hiểm ghi lại tình hình giao tranh và đăng tải lên mạng xã hội.

Những chủ đề này hoàn toàn khác biệt với nội dung sáng tạo chủ đạo trước đó của họ – vốn là những hoạt động thường nhật hay những chia sẻ về phong cách sống, văn hóa và ngôn ngữ.

Niki Proshin, một TikToker 27 tuổi người Nga với 770.000 người theo dõi, bắt đầu đăng bài về cuộc xung đột ngay khi quân đội Nga vừa qua khỏi biên giới Ukraine, báo The Guardian thuật lại.

Trong video đầu tiên, Proshin đáp lại lời yêu cầu từ những follower mong muốn anh nêu lên suy nghĩ cá nhân xoay quanh vấn đề Ukraine. Proshin quan niệm: “Thể hiện ý kiến cá nhân một cách công khai sẽ giúp người nước ngoài hiểu người Nga nhiều hơn và giúp duy trì nhịp cầu giữa những người bình thường bên ngoài nước Nga và những người bình thường ở Nga”. Sau đó, Proshin tiếp tục đăng tải một video khác, ghi lại cảnh biểu tình phản đối cuộc giao tranh với Ukraine ở thành phố quê hương St Petersburg.

Tuy nhiên, cả 2 video này hiện không còn tồn tại trên kênh TikTok của Proshin. Anh nói với tờ Time lý do gỡ 2 video kể trên xuống là vì lo ngại không biết chính quyền sẽ đánh giá lời lẽ của mình trong đấy ra sao.

Dòng tự giới thiệu hiện tại trên kênh của Proshin như sau: “Không thể phát trực tiếp/đăng video trên TikTok vì tôi đang ở Nga”. Lời lẽ tuy ngắn mà nói lên nhiều điều. Video gần nhất trên TikTok của Proshin là màn giải thích về một số tên tiếng Nga, được đăng tải đúng hôm 24-2 khi Nga đưa quân tới Ukraine.

Giống Proshin, Xenia Tchoumitcheva, một influencer người Nga mang trong mình cả dòng máu Ukraine, đã chọn một bức ảnh đen trắng chụp một tách cà phê espresso làm phông nền cho bài đăng trên Instagram thể hiện suy nghĩ của cô về cuộc giao tranh. “Tôi không có bất kỳ kiến thức chính trị hay quan điểm nào, tất cả những gì tôi có thể nói là: Tôi không ủng hộ xung đột và chỉ ủng hộ người dân” – cô viết cho 2 triệu người theo dõi của mình.

Ở Ukraine, các nhà sáng tạo hay nội dung cũng điều chỉnh nội dung đăng tải trên mạng xã hội để phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Cho đến hôm 26-2, nội dung cập nhật trên Instagram có hơn 1 triệu follower (71% người Ukraine và 16% người Nga) của Anna Prytula Prytula trông vẫn giống như bất kỳ influencer nào khác: những chiếc bánh hoàn hảo không thể chê vào đâu được, vô vàn những bó hoa xinh tươi, rồi nào là cơ man hộp và túi xách từ thương hiệu thời trang xa xỉ Louis Vuitton. Bỗng chốc, không còn những hào nhoáng, nội dung Instagram của cô chỉ toàn là tình hình giao tranh giữa hai nước.

TikToker người Anh gốc Ukraine Marta Vasyuta cũng ghi lại hàng loạt hình ảnh về tình hình chiến sự trên khắp Ukraine, với động cơ đơn giản xuất phát từ sự bất bình của cô. Nhưng cũng có người lợi dụng tình hình để câu view, câu like. Theo The Guardian, Instagram đã phải giải quyết vô số nội dung phát trực tuyến và video xuyên tạc hoặc giả mạo, được dàn dựng để lan truyền thông tin giả hoặc trục lợi từ sự quan tâm về tình hình ở Ukraine.

 
 Ảnh: dexerto.com

Bể nồi cơm

Thành viên của nền kinh tế nội dung có thu nhập chính từ hàng triệu người theo dõi hay đăng ký (subscriber). Những động thái “cắt tiền” từ YouTube và Twitch đang khiến họ điêu đứng. Họ vẫn có thể truy cập nền tảng, đăng video hay livestream, nhưng những hoạt động đó không còn tạo ra thu nhập.

A4, TheKateClapp và AdamThomasMoran là 3 ngôi sao YouTube của Nga, với số người đăng ký theo dõi lần lượt là 38,6 triệu, 7 triệu và 10,6 triệu. Giờ đây, các video của họ, bất kể mới hay cũ, dù đạt vài trăm nghìn hay hàng triệu view, cũng sẽ không thu về được xu nào vì YouTube ngừng chính sách chia sẻ doanh thu quảng cáo với người tạo nội dung.

Một người phát ngôn của YouTube chia sẻ với trang Newsweek rằng các nhà sáng tạo nội dung người Nga có thể tiếp tục tạo doanh thu đối với các quảng cáo ở bên ngoài quốc gia này. Điều này không có ý nghĩa gì mấy; đa số YouTuber Nga đăng video bằng tiếng Nga nên lượng người xem ngoại quốc chỉ có thể đóng góp một phần nhỏ trong doanh thu của họ. Chỉ một số ít YouTuber người Nga đăng video bằng tiếng Anh mới có thể đa dạng hóa khán giả và kiếm thu nhập từ các quốc gia khác ngoài Nga.

“Thế là toàn bộ ngành công nghiệp sáng tạo tan thành mây khói. Không có cách nào những người này có thể tạo ra doanh thu khổng lồ như trước đây thông qua Vkontakte hoặc những thứ tương tự” – nhà báo Kevin Rothrock của Meduza.io, trang thông tin điện tử về Nga có trụ sở ở Latvia, bình luận. Vkontakte, hay VK, là nền tảng truyền thông xã hội trực tuyến tương tự Facebook của Nga.

Theo thông tin từ Twitch, việc streamer không còn nhận được tiền là do các tổ chức tài chính thực hiện việc thanh toán phải tuân thủ các lệnh trừng phạt, nên nền tảng này có muốn chi trả cũng không được.

“Tôi lo sợ và biết điều đó có thể xảy ra, nhưng không ngờ điều này lại xảy ra sớm và chỉ qua một đêm cuối tuần” – một streamer Twitch người Nga tên Lina từ chối tiết lộ họ chia sẻ với Washington Post. Mặc dù thiếu thu nhập, Lina vẫn có kế hoạch tiếp tục phát trực tuyến.

“Cộng đồng của tôi lo lắng, cho nên xuất hiện và trò chuyện với họ, cho họ biết cảm giác của tôi, mọi thứ như thế nào, để họ nhìn thấy khuôn mặt và cảm xúc của tôi về tình hình hiện tại là điều duy nhất mà tôi có thể làm” – nữ streamer cho biết. Lina nói cô vừa trải qua 12 ngày căng thẳng nhất trong cuộc đời mình, nhưng cộng đồng Twitch đã giúp cô ấy luôn “tỉnh táo” cả về thể chất lẫn tinh thần.

 

 
 Olga Buzova khóc chia tay 23,3 triệu người theo dõi trên Instagram. Ảnh chụp màn hình

Ngôi sao truyền hình thực tế 36 tuổi người Nga Olga Buzova ngày 13-3 đăng 1 video dài gần 7 phút, vừa khóc vừa tạm biệt 23,3 triệu người hâm mộ của mình trên Instagram. “Tôi chỉ chia sẻ về cuộc sống, công việc và tâm hồn của tôi. Tôi không chỉ làm tất cả những điều này như một công việc mà đây là một phần linh hồn của tôi… cuộc sống của tôi đang bị lấy đi khỏi tôi” – Buzova nói bằng tiếng Nga, được tờ Insider thuật lại.

Video được hơn 1,3 triệu lượt xem tính tới 14-3, nhưng không phải ai cũng chia sẻ với Buzova. “Chúa ơi, ở Ukraine, người ta đang chết, trẻ em ở trong tàu điện ngầm, không có nơi nào để ngủ, chúng đã mất tất cả, và cô lại khóc vì Instagram” – một người bình luận.

Theo: tuoitre.vn

admin

Leave a Replay

Nhận tin mới từ sangtaohay.edu.vn